Miền Tây và những đặc sản không thể bỏ qua

Các tỉnh miền Tây, miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long… nhưng thân thương và gần gũi nhất vẫn là: “miền Tây”. Miền Tây bao gồm 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Có thể nói miền Tây nam Bộ là nơi hội tụ của những kênh rạch sông ngòi, gắn bó với những điểm đó là những chiếc ghe, chiếc xuồng, đó là những ảnh gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân vùng này. Trải qua hàng thế kỷ, hình ảnh đó ngày càng được tôn vinh và gìn giữ bởi đó là nét đẹp văn hóa mà nơi đây có được. Ghe xuồng cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Chính hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch gắn bó suốt đời với cư dân miền Tây Nam bộ, cho nên đã xuất hiện những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp... và đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng của văn minh miệt vườn.

Ngày nay, khi mà cuộc sống quá tấp nập bon chen, con người ta có xu hướng tìm về với thiên nhiên. Và miền Tây là một địa điểm không thể lý tưởng hơn. Miền Tây với những vườn cây ăn trái trĩu cành, với cảnh sông nước hài hòa, con người hào sảng và tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua văn hóa ẩm thực nơi đây.

1. Cá lóc nướng trui

Ai về miền Tây, mà chưa một lần thưởng thức món cá lóc nướng trui thì đúng là một điều đáng tiếc.

Lóc nướng trui, món ăn đặc trưng gắn liền với tính dân dã của những người dân miền sông nước. Hương vị đặc biệt của món ăn, khó có thể phai trong lòng người thưởng thức ngay từ lần ăn đầu tiên. Để có được hương vị đó, món ăn phải trãi qua một quá trình chế biến khá độc đáo .

Không như những món ăn mà trước giờ ta thường thưởng thức. Cá Lóc được bắt dưới sông lên, không cần qua các bước sơ chế như: đánh vảy, cạo nhớt, móc ruôt, ướp gia vị, … Nó chỉ đơn giản là rửa sạch và sau đó xuyên cá vào một cái que, từ miệng tới đuôi (que có thể là một cành cây hoặc một cành tre…).Tiếp theo, các que cá này sẽ được vùi vào những đống rơm khô, hoặc được cắm xuống đất, phủ rơm lên, đốt lửa, cho đến khi tro tàn. Có thể khi kể tới đây, bạn sẽ cho rằng cách chế biến món cá Lóc hơi mất vệ sinh. Nhưng bạn hãy yên tâm! Bởi nó không chỉ dừng lại ở đó. Mà sau khi cá chín, người chế biến sẽ rút cá ra khỏi que, cạo sạch những phần bị cháy, cạo cả lớp vảy trên thân cá. Bạn sẽ không thể tin vào mắt mình. Bởi cuối cùng, còn lại sẽ là phần thịt cá trắng tinh, không một chút vướng bẩn. Đấy mới chính là phần dành cho bạn thưởng thức. 

Những con cá lóc tươi ngon vừa bắt dưới sông lên chỉ cần rửa sạch,
không cần sơ chế, cắm xuyên que từ đầu đến đuôi để chuẩn bị nướng.

Đối với những con cá lóc to. Qui trình chế biến được tiến hành càng công phu hơn. Để cho cá không bị cháy mà vẫn có thể chín đều. Bạn phải đổ nước vào miệng cá, cho bụng cá đầy nước. Như thế, khi cá được nướng, nước trong bụng sẽ sôi lên làm cho cá chín đều, cả trong lẫn ngoài và chú cá Lóc của chúng ta nhờ đó sẽ càng tăng thêm độ ngọt. Sau khi nướng cá hoàn tất những chú cá sẽ được đặt lên mâm có lót lá sen, lá chuối với các loại rau ăn kèm.

Bạn nên ăn kèm cá Lóc nướng trui với muối ớt, để cảm nhận được những mùi vị khác nhau: vị cay của ớt, vị mặn của muối và vị ngọt của những chú cá Lóc tươi ngon, cộng với mùi thơm của cá vừa được nướng rơm xong. Hoặc bạn có thể dùng cá để cuốn rau sống, chấm với mắm me…mỗi cách sẽ đem lại cho bạn những cảm nhận khác nhau. 

Đĩa cá lóc nướng trui trông thật hấp dẫn và ngon lành!

Ngày nay, khi có điều kiện, người dân miền Tây cũng như ở các nhà hàng thường nướng cá với than củi. Tuy nhiên, cá lóc nướng trui được nướng với rơm vẫn là ngon nhất. Bởi nó sẽ làm cá bị hôi khói. Và cái mùi khói rơm mới chính là mùi vị đặc trưng của món cá lóc nướng trui miền Tây Nam Bộ. Dân dã như chính những người dân miền Tây Nam Bộ vậy.

2. Tung lò mò

“Tung lò mò” chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Là đồng bào theo đạo Hồi, đồng bào người Chăm không ăn thịt heo mà chỉ ăn thịt bò. Món “tung lò mò” theo ngôn ngữ của người dân nơi đây chính là để chỉ món lạp xưởng làm từ thịt bò.

Tung lò mò – lạp xưởng bò của dân tộc Chăm ở An Giang

Món Tung lò mò của người Chăm hấp dẫn mọi người bởi từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách chế biến rất lạ. Thịt bò nạc (thường là thịt lóc xương, muốn ngon thì dùng thịt đùi) mua về lóc bỏ hết gân, rửa sạch đem xắt mỏng, ướp muối, đường cát trắng, một ít phụ gia khác và thính (hay cơm nguội). Ruột bò dùng làm vỏ bao Tung lò mò phải lộn mặt trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại mặt phải, phơi cho hơi se mặt mới đem nhồi thịt ướp vào, sau đó dùng dây mềm thắt thành từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, đem phơi chừng 3 nắng là ăn được. Tuy nhiên, nếu phơi Tung lò mò tới 1 – 2 tháng cho thật khô, thịt kết chắc lại, khi cắt ra, mắt thịt nhẵn bóng như sừng là loại ngon nhất hạng.

Món này có hai cách ăn: nướng hay chiên, tương tự như lạp xưởng của người Hoa (nhưng nhất thiết phải ăn khi còn nóng mới thấy hết được hương vị đặc trưng của món ăn này). Khi ăn kèm theo rau sống, chuối chát và chấm muối tiêu vắt chanh mới ngon. Tung lò mò ăn có hương vị chua chua, hăng mùi bò, béo, ngọt, dai... thật lạ!

Trước kia, món ăn này chỉ có ở người Chăm, thường để ăn cơm hoặc nhâm nhi rất hấp dẫn. Nhưng nay, không riêng gì người Chăm mà người Việt, người Hoa cũng rất thích món này.

3.  Mắm Châu Đốc

“Mắm Châu Đốc, Dốc Nam Vang”: Câu tục ngữ trên nói lên đặc sản của vùng biên giới Việt – Miên – Châu Đốc (An Giang).

Khi những cư dân đến khai phá vùng Châu Đốc Tân Cương, họ phải đương đầu với những cơn nước lũ tràn đồng. Trong sáu tháng của mùa nước nổi, những người dân này sống lênh đênh trên những chiếc ghe trôi giạt hay trong những căn chòi hiu quạnh giữa cánh đồng ngập nước. Chỉ những tháng mùa khô họ mới phát quang lau sậy để trồng lúa và hoa màu để cung cấp lương thực cho cuộc sống. Sự nhọc nhằn đó đã được thiên nhiên bù đắp bằng những nguồn lợi thủy sản dồi dào trong mùa nước nổi. Cá đánh bắt được ăn không hết nên họ chế biến thành mắm để dành khi không tìm được thức ăn khác. Từ đó đến nay nghề làm mắm của Châu Đốc phát triển và nổi tiếng trong cả nước.

Mắm thái chính là món dễ ăn nhất và hấp dẫn nhất

Ngày nay, du khách đến Châu Đốc sẽ không thể bỏ qua những món ngon ẩm thực làm từ mắm – một loại đặc sản nổi tiếng của địa phương. Thực đơn từ mắm Châu Đốc gồm nhiều món, món nào cũng ngon lành, bắt mắt, có thể kể như món mắm thái rau sống, món lẫu mắm, bún mắm v.v…Với món mắm thái rau sống, thường ăn kèm với bún và bánh tráng, là một thứ mồi “đưa cay” rất tuyệt. Một dĩa lớn mắm thái trộn đu đủ được đặt ở giữa bàn tiệc, kèm theo thịt ba rọi luộc chín được thái mỏng, điểm tô thêm bằng những lát gừng non và ớt sừng trâu. Bên cạnh dĩa đó là dĩa bánh tráng và bún gạo, cùng một dĩa đầy vun rau thơm và dưa leo thái mỏng, sắp thêm những lát chuối chát và khế... Tùy theo sở thích mà người dùng có thể gắp mắm và thịt ba rọi, rau sống, bún vào trong lớp bánh tráng rồi cuốn thành từng cuộn nhỏ như gỏi cuốn hoặc để rau sống và bún vào chén rồi đặt mắm thái lên trên. Nước chấm là chén dấm đường có thêm vài lát ớt ở trên để làm bớt vị mặn của mắm. Nếu có được loại dấm làm từ nước thốt nốt thì không còn gì bằng.

Hình ảnh những hàng bán mắm quen thuộc khi bạn đến với Châu Đốc

4. Khô rắn

Nếu ai về quê hương Nam bộ những ngày nước nổi, chắc chắn sẽ có dịp thưởng thức những món ngon từ khô rắn – từ tên gọi cho đến vị lạ, vị ngon, vị bổ của nó khiến du khách càng thêm háo hức tò mò...

Miền Tây là vùng đầm lầy nên là môi trường thuận lơi cho nhiều loại bò sát như trăn, lươn, rắn… sinh sống. Tới mùa nước nổi, rắn không ở hang được, chúng bò rất khỏe lên những cây cao. Người ta đi bắt rắn bằng khoèo. Rắn bắt được thường bán cho các nhà hàng, quán ăn để chế biến thành nhiều món bổ dưỡng: cháo rắn, rắn nướng, lẩu rắn. Ngày nay, món khô rắn là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.

Những miếng khô rắn độc đáo

Người ta thường chọn các loại rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá … để làm khô rắn. Rắn bắt về, cắt tiết, lột hết phần da, loại bỏ phần xương để lại thịt rắn. Ướp một ít muối, gia vị vào thịt rắn sau đó ép mỏng và phơi qua vài lần nắng để thịt rắn khô. Tưởng chừng như làm khô rắn thật dễ nhưng để thịt ngon, người phơi cũng phải đảm bảo kỹ thuật, sao cho thịt phơi rồi thân ngoài đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi. Trong quá trình phơi, thịt sẽ rút bớt nước, bay bớt mùi tanh, chín ở dạng tái nên khi thưởng thức ta vẫn còn nguyên độ tươi ngon.

Thường khô rắn được du khách thưởng thức tại chỗ bằng cách nướng trên lửa than hồng. Khô rắn nướng tuy chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Lửa nướng vừa phải, hơi nóng sẽ làm thịt chín cả trong lẫn ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá, thịt sẽ cháy bên ngoài. Khi thịt chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi là lúc có thể ăn. Món này muốn cầu kì và ngọt ngào hơn thì chấm cùng tương ớt, dưa leo, một ít rau thơm.

Có thể nói món ngon vùng nước nổi rất phong phú, từ bông điên điển, cá rô mề kho tộ cho đến lẩu mắm…. và cả khô rắn. Thế mới hiểu, không nhất thiết phải là sơn hào hải vị, những món ăn dân dã cũng đã làm nên những ấn tượng khó quên cho thực khách. Ai từng một lần đặt chân đến nơi đây, khi trở về xin đừng ngần ngại mang một chút mặn mà của đặc sản khô rắn làm quà cho người thân, bạn bè.

5. Lẩu mắm

Sẽ là một thiếu sót nếu đến miệt vườn sông nước Cần Thơ mà quên thưởng thức món ăn đặc trưng nơi đây - món lẩu mắm. Một món ăn mang hương vị mặn mòi, đậm chất miền Tây mà bất cứ người con xa quê nào cũng nhớ mãi không nguôi.

Vùng đất phương Nam được thiên nhiêu ưu đãi ban cho nhiều tôm cá và các loại rau quả đặc trưng vùng miền. Vào mùa nước nổi có rất nhiều loại cá khác nhau như cá linh, cá sặt… Người dân thường mang những loại cá này về làm mắm để dành.
Lẩu mắm mang hương vị mặn mòi, đậm chất miền Tây

Mắm làm ra có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú. Và món lẩu mắm được chế biến từ mắm để lâu năm, qua đôi bàn tay khéo léo của người miệt vườn mang cái vị đậm đà, hương thơm đặc trưng.

Mắm ủ lâu năm thường có vị mặn nhưng được pha chế với nước dùng nên khi thưởng thức sẽ không còn thấy vị mặn nữa.

Mắm là hương vị chính của nồi lẩu, nhưng nguyên liệu nấu lẩu mắm không thể thiếu thịt cá tươi hay vị cay của sả, ớt, tỏi băm nhỏ cùng các loại rau miệt vườn như bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh…

Lẩu mắm ăn kèm với cái loại rau đặc trưng miệt vườn như kèo nèo, bông súng...

Nếu có dịp, các bạn hãy ghé thăm miệt vườn Cần Thơ để thưởng thức hương vị đặc trưng trong từng nồi lẩu mắm. Vị ngọt đậm đà từ thịt của các loại cá tươi, vị cay cay dậy lên mùi thơm của sả, của ớt, của tỏi quyện cùng mùi thơm đặc trưng của mắm, thực khách sẽ chẳng thể nào quên món ăn dân dã của vùng đất phương Nam này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét