Du lịch địa đạo Củ Chi

Nằm cách trung tâm TP.HCM 70 km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi sẽ đưa du khách trở về với những ngày miền Nam hừng hực lửa đấu tranh chống Mỹ. Ðịa đạo quả là kỳ quan độc nhất vô nhị: dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất

Hội trường 5 - khi đến đây bạn sẽ được hướng dẫn và giới thiệu về đường hầm địa đạo

Khu trưng bày súng và bom

Khu trưng bày các loại súng được dùng thời xưa

Những bậc thang dẫn xuống đường hầm

Được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất. Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần (bị hơi ngạt, bơm nước).

Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ. Mỗi hầm cách nhau 50 đến 70m, có kích thước như một hình vuông từ 3m đến 3,5m.

Hầm phẫu thuật

Hầm may quân trang

Hầm ăn uống

Nhà căt dép râu

Và một số hình ảnh về những vũ khi mà quân đội ta đã dùng trong thời chiến tranh mà đoàn đã ghi lại được trong chuyến đi







Trong những năm gần đây, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch rất được ưa chuộng với những du khách quốc tế đến TP HCM. Chỉ một lần khám phá địa đạo, du khách sẽ thấy rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí bất khuất của “vùng đất thép” và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Mỹ? Du khách cũng sẽ hiểu vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó, lại đương đầu ròng rã suốt 20 năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi. Cũng từ địa đạo này, cuộc hành quân Crimp (cái bẫy) của Mỹ với 3.000 quân bộ, cuộc hành quân Sedarfall gồm 12.000 lính, có xe tăng, máy bay yểm trợ tối đa, nhằm biến Củ Chi thành “khu tự do hủy diệt” đã bị đập tan…

Và điều thú vị là, các hướng dẫn viên của địa đạo đều ăn mặc như hồi chiến tranh: nam mặc đồ giải phóng, mũ tai bèo; nữ mặc bà ba đen, quàng khăn rằn và đi dép lốp. Sự có mặt của họ bên trong những búi cây, ở mỗi khúc quanh khiến du khách có cảm giác đang được sống trong sự thật của Củ Chi thời đánh giặc… “Chuyến đi tới thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam là một hành trình khó quên, tìm về sự kiện lịch sử làm thay đổi vận mệnh một dân tộc, và cả suy nghĩ trong tôi nữa. Với chi phí chỉ có 20 USD, địa đạo Củ Chi chắc chắn là nơi hào phóng dành tặng du khách nhiều điều thú vị”, một phóng viên Brunei đã viết trên tờ The Brunei Times hồi tháng 11/2011.

Về Bến Tre, phải thử cặp đôi cơm dừa và tép rang cốt dừa

Bên cạnh kẹo dừa hay chuối xào dừa nổi tiếng, đến Bến Tre bạn nhất định nên thử cặp đôi đặc sản cơm dừa và tép rang cốt dừa siêu hấp dẫn.

Vùng đất Bến Tre vốn nổi tiếng về dừa. Tới Bến Tre bên cạnh các đặc sản từ dừa như kẹo dừa, chuối xào dừa, bánh lá dừa, mắm lóc chưng nước cốt dừa, nấm mối xào dừa, cổ hũ xào dừa, chuối hầm dừa, đừng quên thưởng thức cặp đôi cơm dừa và tép rang nước cốt dừa siêu hấp dẫn.

Cặp đôi cơm dừa và tép rang cốt dừa

1. Cơm dừa Bến Tre

Để nấu được món cơm dừa tuy không khó nhưng lại phải chuẩn bị khá nhiều thứ như chọn gạo, chọn dừa, canh cơm... Cơm dừa được nấu từ gạo dẻo và nước dừa, vỏ quả dừa sẽ được sử dụng như một chiếc nồi đựng. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, quả dừa đã có gạo và đổ nước dừa xăm xắp được cho vào xửng hấp hấp khoảng 1 tiếng.

Cơm dừa Bến Tre

Cơm dừa khi chín vẫn để ở trong xửng giữ nóng, khi ăn trái nào mới lấy ra trái nấy để tránh cơm dừa nguội và sậm màu. Nếm thử cơm dừa, bạn sẽ thấy rõ vị thơm của gạo lẫn trong hương dừa. Bản thân cơm dừa "đứng một mình" cũng là một đặc sản nhưng món này ăn cùng với món tép rang nước cốt dừa mới thật “đúng bài” đặc sản Bến Tre.


2. Tép rang nước cốt dừa Bến Tre

Cách chế biến của tép rang cốt dừa cũng không khó, chỉ cận chọn tép bạc đất đun kỹ với nước dừa và muối đường là bạn đã có một món mặn cực "hao" cơm. Khi chế biến món này người Bến Tre không dùng nước mắm để giữ được hương vị đặc trưng của tép và nước cốt dừa. Tép rang thì vùng nào cũng có nhưng độ ngọt nhẹ từ nước dừa lại khiến món tép của Bến Tre có hương vị đặc biệt hơn hẳn. Nó chắc chắn sẽ hấp dẫn được cả những người khảnh ăn nhất.

Tép rang nước cốt dừa Bến Tre
Dọn cơm trái dừa để lên bàn cùng dĩa tép rang nước cốt dừa là bạn đã được thưởng thức một bữa ăn Bến Tre đúng chuẩn. Dùng muỗng múc từng muỗng cơm dừa cùng vài con tép rang cho vào miệng nhai chậm rãi, bạn sẽ “ngậm mà nghe” vị ngọt của gạo, mùi thơm đặc trưng của nước dừa hòa lẫn vị mặn, béo, thơm, và giòn tan của tép lan tỏa vào mọi giác quan, khiến bạn ăn mãi không thấy no.

theo afamily

Ẩm thực Bình Định

Ngoài bún chả cá nổi tiếng, Bình Định còn mê hoặc du khách với hàng loạt món ngon khó cưỡng như bún tôm Châu Trúc, gié bò Tây Sơn, mắm nhum Mỹ An...

Chả cá Quy Nhơn

Chả cá thu 

Chả cá được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy, thịt ngọt và đầy đủ dưỡng chất. Bí quyết của những người làm chả ngon là thêm vào hỗn hợp thịt cá một ít hành lá, thì là bằm nhuyễn để tạo nên vị thơm cho chả. Công đoạn từ quết thịt đến đánh thành bánh chả hết sức công phu, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, vừa nhanh vừa đều tay để miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải. Bánh chả làm xong được chiên hoặc hấp tùy theo sở thích. Chả chiên dai dai, giòn giòn, dậy mùi thơm từ thịt cá, vị cay nồng của tiêu sọ, kích thích vị giác của bất kỳ thực khách nào. Chả hấp thanh đạm hơn, ít dầu mỡ, lại có thêm lớp trứng tráng mỏng, vàng ươm trên bề mặt. Cắn miếng chả chiên vừa mịn, vừa mềm, vừa dai nhưng không quá béo. Chấm miếng chả cá hấp nóng hổi vào tương ớt, kèm theo vài lá rau thơm, vị thơm, vị ngọt của cá như tan trên đầu lưỡi. Người ăn sẽ ngỡ ngàng nhận ra, đằng sau sự khiêm nhường và bình lặng ấy là cái nồng nàn của vị biển.

Chả cá ngon là nguyên liệu cho món bún chả cá nổi tiếng đất Quy Nhơn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chả cá, sợi bún, nước lèo và nước chấm. Sợi bún nhỏ đánh lừa cảm giác rằng bạn ăn chưa nhiều và muốn ăn thêm nữa, nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên, không tanh, có mùi thơm của củ hành tím đã nướng qua lửa và vị thanh thanh của đường phèn. Chả cángon đã đành, lại thêm nước lèo ngọt đậm hầm từ xương cá với măng le, và nấm rơm; đến cả dĩa rau sống được chăm chút, một sự hòa trộn màu sắc rất bắt mắt bởi màu xanh non của xà lách, màu trắng nõn những cọng bắp chuối, xanh đậm của rau răm, húng, quế, rau ngò, tim tím của tía tô tim tím, trắng ngà viền tím của bắp chuối xắt, màu xanh ngọc của cọng rau muống được chẻ mỏng và cả chút ớt tương đỏ... khiến món bún nhìn đã thấy hấp dẫn không thể cưỡng. 


Bún riêu cua vị sông Kôn


Bún riêu cua vị sông Kôn

Bún riêu cua Quy Nhơn mang hương vị phù sa của dòng sông Kôn, của những cánh đồng lúa bạt ngàn, gợi nhớ tuổi thơ, nhớ cái phong vị dân dã, mộc mạc quê nhà vào mùa lúa chín… Để có món riêu ngon, người đầu bếp phải dụng công rất nhiều. Đầu tiên, cua được cho vào cối đá giã nhuyễn. Quết xong người ta đưa lên rổ lược, ta có loại nước cua sền sệt, vàng vàng, trên mặt nổi những váng mỡ loang loáng. Chừng ấy cũng đủ hấp dẫn. Nước cua được trộn với trứng gà đánh nhuyễn thêm một ít bột ngọt, đường, muối, tiêu, ớt. Đun một nồi nước sôi già đổ hỗn hợp này vào ta có nồi nước riêu thơm. Chừng dăm phút nước riêu đã kết đặc lại thành từng mảng màu nâu vàng chỉ cần một đôi đũa, xắn nhẹ là riêu vỡ ra theo ý bạn. Lạ và ngon hơn khi có thêm rong câu. Thưởng thức một lần món riêu cua ngon, đậm đà, với những mảng riêu kết đặc màu nâu, vàng thơm đặc biệt, chắc chắn dư hương sẽ còn đọng mãi. Ăn bún riêu cua nhất thiết phải kèm rau ghém, gồm đủ các loại: bắp chuối thái rối, tía tô, rau răm, giá đậu, xà lách xanh non, rau thơm… Vào những ngày mưa, ngoài trời mưa sụt sùi, ngồi bên nồi bún riêu bốc khói tỏa hương là thấy ấm áp tình quê rồi.


Bánh xèo Mỹ Cang


Bánh xèo Mỹ Cang

Khác với bánh xèo xứ Huế, chất liệu tạo ra bánh xèo Bình Định khá khiêm tốn nhưng hương vị không kém phần đặc trưng, hấp dẫn. Chất liệu chính làm ra bánh xèo chỉ có gạo, tôm, thịt bò, giá sống và một vài loại rau bản địa. Gạo phải được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm phải là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm phải được pha chế từ loại nước mắm nguyên chất... Đổ bột vào khuôn xong, công đoạn thứ hai là chọn những con tôm đất hoặc tôm biển (trên 10 con) còn tươi roi rói nhảy lách tách trong rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh đang trên lò than. Có nơi cầu kỳ cho thêm vài lát thịt bò thưng trông rất ngon mắt. Cuối cùng là hành hoa, hành tây xắt mỏng, giá đỗ và một ít nấm rơm bỏ vào giữa khuôn gọi là nhân. Đậy nắp khuôn lại... Bếp lửa hồng, tiếng nổ lách tách của những hòn than đỏ rực, tiếng reo "xèo xèo" của dầu mỡ khi tiếp xúc với lớp bột gạo lỏng sền sệt... sẽ làm lòng người ấm lại và như muốn cùng reo vui. Chừng 5 phút sau dỡ nắp ra và chờ bánh vàng giòn đều mặt dưới! Hơi nóng và mùi thơm tỏa ra ngùn ngụt làm ta phải háo hức, chỉ mong bà chủ nhanh bê bánh ra để thưởng thức. Mỗi đĩa thường thì chỉ bỏ được hai bánh. Chiếc bánh được tán mỏng, nổi rõ những con tôm đất tròn mẩy, hươm vàng. Ăn kèm với bánh xèo ở đây là bánh tráng gạo nguyên chất, dùng để cuốn với rau sống, một ít xoài và dưa leo xắt mỏng. Bên cạnh là chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường. Món ăn có hấp dẫn hay không còn tùy thuộc cách chế biến loại nước chấm này. Ta có thể nhúng ướt nửa cái bánh tráng, đặt bánh xèo lên trên kèm một ít rau sống, gia vị... rồi cuốn chặt lại. Chấm vào chén nước mắm vàng ươm ngọt ngào hương vị miền biển rồi rứt từng miếng cho vừa miệng mà thưởng thức. Chao ôi! Cái ngọt của tôm tươi, cái giòn giòn của gạo đủ lửa và một chút chua, chát của xoài và chuối chát, quyện tất cả lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn. Thưởng thức bánh giữa khung cảnh làng quê dung dị, yên bình, lòng chợt thấy thảnh thơi lạ kỳ.


Rượu Bàu Đá 


Rượu Bàu Đá 

Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô... Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà.

Rượu Bàu Đá (còn gọi Bầu Đá) có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Chỉ nguồn nước sông Kôn ngọt ngào mới cho ra loại rượu ngon, thơm và uống có hậu ấy (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Khi nấu rượu, không dùng nồi nhôm mà dùng nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.

Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng cầu kỳ lắm lắm; Rượu trong bầu, chai, nậm phải rót ra bình gọi là ve vòi, cái ve vòi đựng rượu có câu đố dân gian rằng:

Thượng tiểu, hạ đa (Trên nhỏ, dưới to)

Tích thủy, phi thủy (Đựng nước nhưng không phải nước)

Thọ thai, bất thọ thai (Chửa nhưng không phải chửa)

Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách: Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách, vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Rượu nước đầu trong vắt, rót sủi tăm, ực một cái thấy thót cả người, vừa cay, vừa ấm, vừa nồng, chạy đến đâu biết đến đó, như một luồng điện từ cổ xuống bụng và lan nhanh ra các mạch máu toàn thân. Rượu mới nấu nóng hôi hổi uống vào càng tuyệt. Có một điều lạ, dù có say ngất ngư, bạn có thể ngủ một giấc đến sáng mà không nhức đầu. Ca dao Bình Định có câu: "Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?".

Rượu Bầu Đá không chỉ là rượu để nhậu mà còn là rượu lễ, rượu mừng không thể thiếu được trong các đám cưới, đám tang, đám giỗ. 


Mắm nhum Mỹ An


Mắm nhum Mỹ An

Từ vĩ tuyến 13 đến 17 của vùng biển Việt Nam, nơi nào cũng có nhum. Nhưng món mắm nhum đặc sắc, ngày xưa dùng để tiến vua, thì hình như chỉ có ở Phù Mỹ - Bình Định. Nhum là một động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò; sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Nhum có nhiều loại, để muối mắm phải là nhum ta màu đen. Cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, thế là những múi thịt nhum đã lộ ra trước mắt. Nhum mập, thịt nhum nhìn đầy đặn như những múi sầu riêng. Nhum gầy, thịt chỉ như gạch cau bám dọc theo vỏ thành từng sọc dài, nhưng vẫn béo ngậy. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc "giang" ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín, nhuyễn tan, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Gia vị chỉ có tỏi và tiêu để nguyên hạt. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành một thứ mắm đầy quyến rũ.

Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon. Nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Ngon đến nhức chân răng! Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất trong giới sành ăn.

Người ta làm mắm nhum chỉ để dùng trong gia đình và làm quà cho người thân, bạn bè. Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được vì không biết nơi bán, và người có cũng chỉ khăng khăng dùng đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân.


Chim mía Phú Phong


Chim mía sau khi chế biến

"Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong/ Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao".Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở, gọi mời du khách. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân. Người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.

Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim, cứ thế chúng chuyền dần vào trủ. Những chú chim mía béo tròn, được tẩm ướp gia vị gồm muối hạt giã nhỏ với ớt, hành, hạt tiêu, thêm ít bột ngọt, ngũ vị hương. Chim mía nướng vừa nhanh, vừa rất đơn giản trong cách chế biến lại ngon miệng. dùng một cái xiên thành xâu, nướng chim trên bếp than hồng. Khi nướng, nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy. Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng rộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp than và dậy mùi thơm là món chim nướng đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon phải biết. Để làm món chiên thì thả chim vào chảo dầu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng ngậy, xương thịt giòn tan. Cho chim ra đĩa, rắc thêm lên một ít hạt mè rang cho đẹp mắt. Muốn ăn đúng món chim mía, hãy tinh ý chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn. Chim rán xong còn đủ cả đầu, mình, chân, cánh thơm lựng. Cắn một miếng ta sẽ có ngay cái cảm giác tổng hợp: dai dai của thịt, giòn giòn của xương, béo béo của da, vị ngọt đằm, không lẫn vào đâu được. Chim mía mà có thêm rượu Bầu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất mỹ thực.


Gié bò Tây Sơn


Gié bò Tây Sơn

Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Người mới ăn lần đầu đều cảm thấy “khó trôi” bởi lẽ gié bò nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò. Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Để khử vị đắng người nấu phải bỏ thêm lá giang rừng và ớt chín để bão hoà với chua cay. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm. Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong. Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi, tránh bị sít. Huyết cũng được cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié. Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié. Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút. Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được. Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng. Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié, vị nhân nhẫn của mật bò ăn với bún và rau sống thật hợp. Gié bò càng ăn nóng càng thấy ngon bởi mùi thơm của rau bốc hương, vị đắng cồn cào của nước gié sực lên mùi hoà nhập với vị chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt đã lôi cuốn thực khách “vào trận” một cách kỳ lạ mê hồn. Gié bò vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá thì thấy trên cả tuyệt vời.


Bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn


Bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn

Bình Định được xem là quê hương của bánh tráng, vì tương truyền rằng bánh tráng là món lương khô chiến lược được ra đời cùng với bước chân thần tốc của đội quân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm. Và có lẽ chỉ có bánh tráng nước dừa là mang nhiều sắc thái Bình Định nhất – rất đạm bạc, thơm ngon và hiếu khách. bánh tráng nước dừa có bề mặt lớn bằng chiếc mâm thau, cộm lên những xác cơm dừa và mè hạt. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng nước dừa là củ mì xát nhỏ, lọc kỹ với nước và gia vị. Cơm dừa được mài vụn lấy nước cốt từ chiều hôm trước, bột và gia vị chuẩn bị sẵn.

Trong lúc chờ nước trong nồi sôi, người ta trộn đều bột với nước cốt dừa, vừng, gia vị. Khi nước sôi, múc bột đổ vào khuôn vải được căng trên miệng nồi, dùng gáo múc bột tráng đều trên mặt khuôn có chiều rộng bằng cái sàng gạo, đậy vung chừng 2 phút thì vớt bánh ra vỉ, cứ đủ 10 cái là phơi ra nắng. Tráng cho xong chiếc bánh rất đơn giản. Nhưng để cái bánh vừa tròn vừa đều, kích cỡ, độ dày xêm xêm nhau lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Chỉ múc nhiều hoặc ít bột một tý, chiếc bánh sẽ to nhỏ không đều. Tráng không đều tay, chiếc bánh sẽ không tròn hoặc chỗ dày, chỗ mỏng… Chiếc bánh được vớt ra bằng chiếc que tre, trải tấm bánh vừa tráng xong lên vỉ cũng vậy. Động tác này chỉ được phép làm một lần, nếu đặt sai vị trí, gỡ ra đặt lại thì chiếc bánh sẽ bị rách. Khi phơi, làm sao cho bánh không bị cong cũng là một bí quyết. Những chiếc bánh tráng phơi khô, xếp lại một chồng được ràng (buộc) bằng dây chuối, vậy là được một ràng bánh tráng.

Là món ăn ngon, giản dị, chỉ cần nướng nở thật đều qua lửa than. Khi gặp lửa, bánh căng phồng lên, nước dừa cứ ứa ra như lớp mỡ, dậy mùi béo ngậy, chưa ăn đã thấy mùi thơm quyến rũ. Nhai vào miệng giòn tan, vị béo của dừa hòa quyện với vị béo của mè, mùi hành kết hợp với mùi tiêu, vị ngọt của bột ngọt quyện với vị cay của tiêu tạo thành hương vị dân dã rất đậm đà, vô cùng hấp dẫn. Ăn bánh tráng nước dừa không cần bàn ghế bài bản, vừa ăn vừa nói chuyện, gặp ai cũng mời, cũng chia một phần. Có lẽ vì thế mà nó còn có tên là bánh thơm thảo. 

Địa điểm du lịch Hà Nội (Phần 2)

Ngoại thành Hà Nội là khu vực có rất nhiều điểm đi du lịch hấp dẫn đặc biệt phù hợp vào những ngày cuối tuần. Sau đây là một số điểm du lịch mà bạn không nên bỏ qua:

Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)


Hồ Quan Sơn

Cách Hà Nội gần 30km về phía Tây, được bao quanh bởi năm xã của huyện Mỹ Đức, rộng 850 ha. Đây là một quần thể hồ, núi, rừng cây rộng lớn. Du khách đến với khu du lịch sinh thái Quan Sơn có thể cắm trại, đi bơi thuyền, câu cá, leo núi, tắm hồ… thăm các động Linh Sơn, Ngọc Long… Ở đây còn có nhiều ngôi chùa cổ như chùa Linh Sơn, chùa Cao, chùa Hàm Yến…
Phương tiện đi có thể là xe máy, nếu đi theo gia đình nên đi ô tô. 

Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì)

Vườn Quốc gia Ba Vì

Cách nội thành Hà Nội gần 60km về phía Tây. Khu du lịch sinh thái vườn Quốc Gia Ba Vì không khí ở đây quanh năm thoáng mát, trong lành. Trên đỉnh núi Ngọc Tản có đền Thượng, thờ thần núi Tản Viên, lưng chừng núi có đền Trung, dưới chân núi là đền Hạ. Từ đỉnh núi, du khách có thể ngắm nhìn cả vùng đồng bằng rộng lớn; sông Đà uốn lượn quanh chân núi ở phía tây; hồ Suối Hai ở phía đông. Hiện có khoảng 200 biệt thự và khách sạn tại khu vực này. Đáp ứng mọi nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của du khách.

Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa ( xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì)

Hồ Tiên Sa

Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa có diện tích 150 ha, bao quanh là hồ nước rộng mênh mông, không khí nơi đây rất trong lành, thời tiết mát mẻ. Du khách đến đây có thể ngồi ngắm khung cảnh sông hồ, núi rừng,thưởng thức những dàn đồng ca của các chú chim vùng núi, câu cá trên các nhà nổi, hoặc thuê xuồng cao tốc để lướt ván, bơi thuyền trên hồ. Trong khu du lịch có ba bể bơi và nhiều trò chơi cho trẻ em…rất hợp với một ngày xả stress cho gia đình.

Khu du lịch Ao Vua

Khu du lịch Ao Vua

Khu du lịch sinh thái Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), cách Hà Nội tầm 60 km, có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành cùng nhiều suối, thác đẹp, bên cạnh những công trình nhân tạo như khu vui chơi giải trí với bể bơi, cầu trượt, vườn chim thú hoang dã, vườn tượng… phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn của du khách. Khu du lịch có khoảng 105 phòng nghỉ, hai nhà sàn, hội trường 300 chỗ…Thoải mãi chỗ cho những tập đoàn đông người đi du lịch nơi đây. 

Khu du lịch sinh thái Thác Đa

Du lịch Thác Đà

Khu du lịch sinh thái Thác Đa (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì): diện tích 100 ha, nằm ở độ cao 1.281 m, không khí trong lành. Có hệ thống nhà sàn với 60 phòng tiện nghi. Nhà hàng có sức chứa 1.000 thực khách với các món ăn dân tộc. Nhiều dịch vụ giải trí như ten-nít, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, leo núi, câu cá, cắm trại, hồ bơi tạo sóng…

Khu du lịch sinh thái Cọ Xanh

Khu du lịch sinh thái Cọ Xanh

Khu du lịch sinh thái Cọ Xanh (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh): diện tích gần 10 ha bao gồm hai hồ câu lớn với khoảng 40 chòi câu. Hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí được trang bị đầy đủ cho cả người lớn lẫn trẻ em.

Ngoài ra còn có các khu du lịch sinh thái Đầm Long (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì), Tào Thị (phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai), Khoang Xanh – Suối Tiên (tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì)

Hy vọng những điểm đến hấp dẫn tại các khu du lịch ngoại thành Hà Nội này sẽ cho bạn một kỳ nghỉ tuyệt vời!

Địa điểm du lịch Hà Nội (Phần 1)

Với quá trình lịch sử phát triển lâu đời, Hà Nội sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú như hồ Đồng Quan, Tháp Rùa, tượng đài Thánh Gióng, ... Chính vì vậy Hà Nội vẫn luôn là điểm đến thu hút du khách quốc tế lớn nhất cả nước bởi vẻ đẹp trầm mặc, thanh lịch.

Tháp Rùa

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ xiêu tán cả. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim.

Tháp Rùa (Đinh Tiên Hoàng, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp nghiễm nhiên biến thành thắng tích Hà Nội.

Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc Âu châu với hàng cửa cuốn gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) (hay còn được gọi là tượng Đầm Xòe). Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ khi chính phủ Đế quốc Việt Nam của thủ tướng Trần Trọng Kim nắm chính quyền thay cho quân Pháp.

Chùa Non Nước

Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Ðại Việt Sử ký toàn thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa này tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Ðinh - Lê - Lý).

Chùa Non Nước (Khu di tích Đền Sóc, Xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Chùa Non Nước đang được xây dựng lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối nặng 30 tấn, cao 6,50 m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m được khởi công ngày 8-4 Tân Tỵ (2001) để đến 14-9 tới (tức mồng 8 tháng 8 năm Nhâm Ngọ) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non Nước.

Vườn đào Nhật Tân

Những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, vườn đào Nhật Tân rực lên trong cái nắng mùa đông và trong không khí nhộn nhịp của ngày giáp Tết.

Theo vòng xoáy của đô thị hóa, Nhật Tân giờ chỉ còn một diện tích không lớn lắm cho đào. Là một trong không nhiều vùng đất trồng hoa của Hà Nội còn lại, vẫn giữ được nét truyền thống của làng nghề, Nhật Tân làm say đắm bao tâm hồn yêu hoa, yêu Hà Nội.

Vườn đào Nhật Tân (An Dương Vương, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội)

Những người trồng đào ở Nhật Tân cho biết: Trong những ngày này, trời nắng ấm và hoa đào nở nhiều, tuy nhiên tiết trời vẫn khá lạnh nên đào vẫn sẽ rất đẹp trong dịp Tết.


Khu Di Tích Hoàng Thành Thăng Long


Nơi hội tụ dấu tích nghìn năm văn hiến

Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (
18, Hoàng Diệu, Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội)

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn 10 thế kỷ, kể từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội có diện tích 18.395 m2, bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (phường Điện Biên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình). Qui mô vùng bảo tồn của trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, là toàn bộ diện tích của khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu rộng hơn 18 ha, cùng với khu Thành cổ được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây là đường Hoàng Diệu. Hai khu này được kết nối với nhau. Cứ hình dung trục trung tâm bao gồm 4 mặt phố ở phía bên này như là bìa của cuốn sách nơi ta có thể cảm nhận khái quát nhất về trục trung tâm của cấm thành Hoàng thành Thăng Long, thì lật giở từng trang lịch sử của khảo cổ học từ thời Đại La, cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều có thể đọc được những dấu ấn của di tích, của kiến trúc, của hiện vật để minh chứng cho những điều mà chúng ta đã biết trong sử sách.Qua hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử đã khẳng định thêm và làm sâu sắc hơn các giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Nhiều kết quả nghiên cứu mới được công bố như: phát hiện kiến trúc Bát giác thời Lý được các chuyên gia Việt- Nhật phán đoàn là công trình kiến trúc kiểu điện Thiên Khánh (nơi vua nghe chính sự) ghi trong chính sử. Các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm nghiên cứu kinh thành cũng đã tìm ra được một loại thước được sử dụng thống nhất trong xây dựng Hoàng thành thời Lý, cho thấy mặt bằng kinh đô thời Lý có qui hoạch rất rõ ràng, qui củ trước khi tiến hành xây dựng... Tiến sĩ Bùi Minh Trí đã nhận ra được loại gốm cao cấp nhất trong thế kỷ XV của Việt Nam được sản xuất chính tại Thăng Long, với một kỹ thuật rất cao, mỹ thuật hoàn hảo. Đây cũng chính là gốm sứ cao cấp xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và một số nước khu vực châu Á. Những kết quả nghiên cứu này càng khẳng định qui mô và các giá trị nổi bật của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Những khu ăn vặt ở Sài Gòn được giới trẻ ưa thích

Các bạn trẻ thường ngồi ở An Dương Vương thưởng thức bạch tuộc nướng, ghé hồ Con Rùa nếm bánh tráng trộn hay đến Làng Đại học tìm bánh tráng nướng mỡ hành.

Nét độc đáo trong ẩm thực đường phố Sài Gòn

Ngoài những khu ăn uống sang trọng với các món ăn đắt tiền, ở Sài Gòn còn có những món ăn vặt với giá bình dân được du nhập từ các vùng miền tạo nên một chuỗi ẩm thực đa dạng đặc sắc. Đến Sài Gòn bạn có thể dễ dàng tìm thấy, nhưng để có được địa chỉ các khu ăn vặt trong không gian mát mẻ, yên tĩnh hay ngắm dòng người rộn rã nơi phố thị là điều không hề dễ. Hãy cùng điểm lại những khu ăn vặt yêu thích của giới trẻ tại Sài Gòn.

1. Công viên Lê Thị Riêng

Là địa điểm yêu thích của nhiều giới trẻ lẫn các cặp gia đình bởi nơi đây có nhiều hình thức vui chơi giải trí cho các bé và nhiều bạn trẻ. Với không gian rộng rãi thoáng mát, công viên là điểm hẹn hò lý tưởng, tụ tập bạn bè hay dạo bộ trong những buổi trời chiều. Chính vì thế công viên là nơi tập trung nhiều những món ăn vặt thường thấy như bánh tráng trộn, cá viên chiên, quán ốc vỉa hè… cùng những thứ giải khát như nước mía, sâm, dừa trái…Ngoài ra trong khuôn viên công viên còn có những quán ăn vặt có không gian thoáng đãng, được bày bán và chế biến sạch sẽ.

Hồ lô nướng ở công viên Lê Thị Riêng. Ảnh: Photobucket
2. Làng Đại học Thủ Đức

Là khu tập trung đông đúc sinh viên của thành phố, nơi đây được xem là thiên đường ăn vặt của giới sinh viên. Mọi món ăn vặt của khắp các tỉnh thành hầu như được tập trung ở đây, từ bắp nướng, bắp xào, bánh tráng nướng mỡ hành, bánh cống miền Tây đến bánh xèo miền Trung. Là tụ điểm của sinh viên nên các món ăn vặt ở làng Đại học Thủ Đức luôn có giá khá rẻ. Khi màn đêm buông xuống, làng Đại học trở nên náo nhiệt và đông đúc, đó cũng là lúc các món ăn vặt chiếm thế thượng phong. Đến làng Đại học bạn sẽ được hòa mình vào sinh viên để khám phá những món ăn vặt quen thuộc nhưng lại vô cùng hấp dẫn.

Bánh tráng nướng mỡ hành ở khu ăn vặt Làng Đại học. Ảnh: Foody
3. Công viên Gia Định

Không gian ngập tràn màu xanh của những cây cổ thụ cao vút trong công viên là điểm nghỉ chân của nhiều người dân trong thành phố, từ các cô cậu sinh viên, những cặp tình nhân cho tới các bậc phụ huynh dẫn bé ra chơi đùa. Đến công viên, vừa hóng gió trốn cái nắng nóng của Sài Gòn và trò chuyện cùng bạn bè, bạn vừa có thể tìm những món ăn vặt mình yêu thích.

Cuối tuần cùng bạn bè tụ tập ở đây để ăn vặt và trò chuyện là những gì không thể thiếu nếu như bạn có dịp đặt chân đến Sài Gòn phồn hoa này.

Bắp xào món ăn vặt đậm chất Việt ở các khu ăn vặt. Ảnh: Chongchonggio308
4. Hồ Con Rùa

Nằm gần hai trường Đại học lớn của thành phố là Kinh tế và Kiến trúc nên hồ Con Rùa luôn được các bạn sinh viên ghé chân. Sinh viên Kiến trúc thì vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thả hồn theo những bản vẽ, sinh viên Kinh tế thì lân la ăn vặt và ngắm dòng người qua lại. Kế bên cổng trường Kiến trúc có món bánh tráng trộn được xem là ngon nức tiếng, chỉ cách Hồ Con Rùa 50 m nên dễ dàng tìm thấy. Đêm về leo lên các bậc thang của hồ nước ngay trung tâm hồ bạn có thể thoải mái hóng mát và ngắm nhìn thành phố về đêm. Những món ăn vặt ở đây được bày bán trên những chiếc xe đẩy, hỏi giá trước khi thưởng thức là điều bạn nên làm nếu muốn thưởng thức những món ăn vặt ở khu trung tâm thành phố này.

Bánh tráng trộn Hồ Con Rùa. Ảnh: Wikipedia
5. Đường An Dương Vương

Cũng như bao khu ăn vặt khác, khu ăn vặt An Dương Vương cũng có đầy đủ các món ăn vặt như bắp xào, bò bía, bánh tráng trộn, vịt lộn rang me… Ban ngày nơi đây tập trung đông đúc các bạn sinh viên của trường Đại học Sư Phạm và Đại học Sài Gòn. Đêm về con đường ăn vặt này trở nên náo nhiệt, đông đúc. Món ăn nổi tiếng nơi đây có lẽ là bạch tuộc nướng. Chỉ cần chạy xe ngang qua con đường này mùi thơm của bạch tuộc nướng có thể khiến bạn phải dừng chân để thưởng thức, không những ngon mà các món ăn vặt nơi đây cũng có giá cả phải chăng phù hợp cho các bạn sinh viên tụ tập vừa ăn vặt, vừa tán chuyện.

Bạch tuộc món ăn nổi tiếng ở khu ăn vặt An Dương Vương. Ảnh: Tocumeu

Trà Khaly (dulich.vnexpress.net)

Những món bánh Việt có tên cực lạ (phần 2)

Đi dọc chiều dài ẩm thực Việt Nam ta sẽ phát hiện và say mê với nhiều món bánh có cái tên lạ tai nhưng hương vị vô cùng hấp dẫn

Bánh ướt

Tuy có cái tên lạ tai và có vẻ ướt át nhưng món bánh lại không hề như vậy. Bánh chỉ mềm mại, và được tráng mỏng như bánh cuốn nhưng có màu sắc sáng và trắng hơn một chút. Nghe nói, nguồn gốc xuất xứ của bánh là từ Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam ở từng vùng khác nhau, bánh ướt lại được chế biến rất sáng tạo và mang từng hương vị độc đáo riêng. Ở ngoài Bắc thì bánh ướt chính là bánh cuốn.

Bánh ướt có đặc điểm thường là không có nhân được bán rất nhiều trong các chợ của Huế. Bánh được chấm với nước mắm chua ngọt.

Bánh ướt
Tuy nhiên, vì thơm ngon nên thứ bánh này được du nhập tới nhiều nơi, nhất là Sài Gòn. Ngoài ra, cũng có những món bánh ướt đặc biệt bởi nó được làm khá cầu kì như bánh ướt thịt nướng, bánh ướt tôm chấy (phổ biến nhất ở Huế), bánh ướt thịt lợn, thịt gà, thậm chí là hải sản hoặc thập cẩm… Riêng bánh ướt thịt nướng chấm với nước tương. Thứ nước tương này được làm khá tỉ mỉ từ gan lợn băm nhỏ, tỏi giã nhỏ, hạt vừng rang. Cho vài muỗng dầu ăn vào chảo bắc lên bếp, dầu sôi cho tỏi vào, rồi đổ thêm tương, gan, mè, đường… để sôi một lát cho thấm là ăn được. Chẳng cần nếm mà chỉ ngửi mùi thôi cũng cảm thấy nước chấm ngon ngây ngất rồi.

Bánh vạc

Bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An (Quảng Nam). Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.

Bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An (Quảng Nam) 
Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo, nhưng để có được dĩa bánh vạc như ý thì bột gạo phải được lọc đi lọc lại nhiều lần.

Nhân bánh vạc chủ yếu làm từ tôm tươi, hay thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm… tất cả được xào chín theo kiểu truyền thống, hoặc để sống theo cách làm hiện nay (để nhân được đẹp, nên viên nhân thành những viên tròn rồi bọc ở bên ngoài bằng một lớp bột sắn dây mỏng, hấp chín cho trong). Bột lấy lượng vừa khéo, cán mỏng, rồi cho nhân lên trên, ấn nhẹ để nhân dính chặt vào vỏ bánh. Xếp bánh vào vỉ hấp khoảng 5 đến 7 phút, bánh chín sẽ trắng trong trông rất hấp dẫn.

Bánh cóng

Bánh cóng (hay còn gọi bánh cống) là một món ăn khá nổi tiếng được bán ở hầu khắp chín tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Có người cho rằng bánh cóng có nguồn gốc từ đồng bào Khơme Nam Bộ và trong quá trình giao lưu ẩm thực được người Hoa và người Kinh thay đổi đôi chút, tuy nhiên cũng có người kể rằng bánh cóng do một số người Triều Châu (Trung Quốc) di cư đến Sóc Trăng và truyền lại cho đồng bào Khơme với tên gọi là bánh sền hay nói trại đi là bánh sầy, đến nay thì tất cả người Nam Bộ đều gọi là bánh cóng cho dễ nhớ do khuôn bánh có hình dạng giống như chiếc cóng - một dụng cụ dùng để đong chất lỏng của các quầy tạp hóa ngày trước.

Nhưng dù có nguồn gốc từ đâu thì khi nói đến bánh cóng ta nghĩ ngay đến bánh cóng Sóc Trăng, và nổi tiếng nhất Sóc Trăng có lẽ phải kể đến bánh cóng Xoài Cà Nã ở xã Đại Tâm- huyện Mỹ Xuyên bởi bánh có độ giòn, độ xốp vừa phải, lại rất thơm và có màu vàng ươm bắt mắt.

Lại một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh cóng - đặc sản Sóc Trăng - hay còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại theo tiếng Khmer. Bánh cóng ngày nay phổ biến ra rất nhiều tỉnh khác thuộc miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Cần Thơ.

Bánh cóng là một trong những món ăn tiêu biểu nhất, đáng thử nhất Sóc Trăng nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung
Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Bánh cóng nhìn cực kì đẹp mắt và hấp dẫn.

Từng chiếc vàng ruộm, lại nổi lên hình tôm đỏ. Ăn cùng với các loại rau thơm, rau sống như húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng… khiến người ăn khó mà ngán được.

Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn: béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, ngọt tôm, thơm thịt, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau.

Bánh hỏi

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản có rất nhiều ở Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định của Việt Nam, bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.

Bánh hỏi thịt quay
Bánh hỏi khi dùng thường thêm chút dầu phụng cùng với lá hẹ thái nhỏ li ti thoa lên miếng bánh để thêm hương vị. Bánh hỏi thường chỉ ăn với lá hẹ, không dùng cho các thứ bánh khác do lá hẹ rất xanh, hương thơm nhẹ. Lá hẹ sau khi thái nhỏ, được xào qua dầu ăn cho thơm. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên.

Theo Eva

Những món bánh Việt có tên cực lạ (phần 1)

Ở Việt Nam có rất nhiều loại bánh khi gọi tên khiến người nghe phải bất ngờ và tò mò về hương vị của nó

Bánh uôi

Bánh uôi là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình, bánh có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa và mĩ miều khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết.... Theo người dân nơi dây, bánh uôi chính là niềm tự hào của người Mường, là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của một miền sơn cước.

Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Loại bánh rất giản dị, có hình dáng và hương vị rất đặc biệt đem lại sự thích thú cho người ăn. Bánh uôi có hai loại bánh nhân mặn và bánh ngọt. Bánh nhân ngọt được làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở xứ Mường, Hòa Bình) hoặc từ đậu xanh. Còn nhân mặn sẽ có thịt lợn tẩm ướp gia vị.

Bánh được gói với lá chuối đã được phơi cho tái hoặc hơ qua lửa, làm như vậy khi gói lá sẽ không rách mà bánh cũng vì thế mà thơm hơn. Ăn bánh uôi cũng như ăn bánh nếp, phải tước từng chút lá một nếu không bánh sẽ bị bong ra từng mảng nhân, rất khó thưởng thức.

Bánh uôi là là niềm tự hào của người Mường
Bánh rất thơm, dẻo, vỏ bánh trắng ngần, nhân bánh ngọt mát từ đậu xanh hay hạt nho nhe. Nếu thưởng thức những chiếc bánh mặn, bạn sẽ thấm được hương sắc núi rừng trong từng chút thịt được gói trong bánh.

Bánh tro

Bánh tro còn được biết đến với cái tên khác như là bánh gio, bánh nẳng, thường được bày bán trong các dịp Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.

Bánh tro được bán nhiều trong các dịp Tết Đoan Ngọ
Bánh tro có hình thuôn, dài nhưng ngắn hơn chiếc bánh răng bừa của người Thanh Hóa. Tuy nhỏ nhưng bánh không hề dễ làm. Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng mùi khói bếp.

Bánh tro ăn với mật mía rất ngon
Khi bóc lớp vỏ bên ngoài sẽ lộ ra một lớp thịt bánh có sắc vàng pha nâu trong trẻo, óng ánh tới mức nhìn rõ dáng hình hạt gạo nếp cái hoa vàng nở đều tăm tắp. Khẽ khàng nhúng bánh vào trong bát mật mía mới đun trên bếp còn ấm nóng, thả vào miệng thưởng thức. Bánh mềm mịn, man mát hòa quyện với vị ngọt của mật mía rồi tan ra ôm trộn cả vị giác.

Bánh tai

Bánh tai là tên gọi loại bánh nổi tiếng của tỉnh miền núi Phú Thọ - món bánh làm nức lòng bao khách phương xa thưởng thức. Nghe nói, bánh tai trước kia được gọi là bánh trai vì bánh được nặn theo hình con trai, sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh được làm vẫn những nguyên liệu đó nhưng dài hơn và nặng hơn.

Bánh tai nổi tiếng ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo, đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn tài tình, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.

Ở nơi đây, bánh tai là thứ quà sáng rất đặc biệt bởi nó dễ ăn, lại lành tính. Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.

Bánh răng bừa

Nghe cái tên thật lạ thật hay mà hương vị của nó cũng thật thơm ngon, thú vị. Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá), riêng người Thanh Hóa gọi tên như thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.

Bánh răng bừa, một trong những đặc sản của người Thanh Hóa
Nguyên liệu làm bánh răng bừa chính là gạo tẻ. Khi làm, người ta phải chọn loại gạo dẻo, thơm ngâm nước khoảng 3 - 4 giờ sau đó đem xay thành bột cùng với nước. Bột được xay xong cho lên bếp khuấy, trong quá trình này phải chú ý tay khuấy đũa liên tục sao cho bột không bị vón cục và cũng không quá chín, đây là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo. Khi thấy nồi bột gạo có độ đặc sền sệt thì ta bắc xuống bếp, chuẩn bị công đoạn gói bánh. Lá dong hay lá chuối thường được dùng để gói bánh.

Còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị.

Khi những chiếc bánh thon dài được gói xong sẽ được đem hấp hoặc luộc tới khi chín cho đến lúc mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc báo hiệu bánh chín.

Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức. Có lẽ, lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời được tích tụ trong chiếc bánh.

Bánh ram ít Huế

Nghe tên bánh rất lạ nhưng đây lại là món bánh thơm ngon, đặt trưng của người Huế và được nhiều người mê đồ ăn Huế rất ưa thích. Cũng có khá nhiều người thắc mắc tại sao bánh có tên là “ít”, phải chăng vì cái bánh nhỏ bé, chỉ bằng chiếc bánh trôi? Xong tên gọi đó từ đâu mà có cũng chưa hẳn quan trọng bằng việc hương vị tuyệt vời của món bánh.

Bánh ram ít có hai phần, một phần dưới là bánh ram (được chiên lên), phần trên là bánh ít
Bánh ram ít Huế có hai phần, bánh ram và bánh ít. Để làm bánh cần có đầy đủ các nguyên liệu sau đây tôm tươi, tôm chấy, thịt ba chỉ, bột nếp,...

Đầu tiên, khi làm bánh, người ta đổ bột nếp ra thau hoặc nồi, thêm một chút muối và dầu ăn cho vừa rồi trộn đều. Đun nước sôi để nguội tầm 60oC rồi đổ nước vào bột trộn đều đến khi nào bột dẻo, quện lại với nhau, không dính tay thì thôi. Chia bột làm 2 phần, một phần bạn dùng để làm bánh ít, phần còn lại dùng làm bánh ram.

Phần bột làm bánh ram thì đem nặn dẹt rồi chiên lên. Còn phần bánh ít sẽ được gói với hỗn hợp nhân thịt, tôm đã được xào qua rồi viên tròn lại giống như bạn đang làm những chiếc bánh trôi sau đó đem hấp chín. Chỉ cần làm tới đây thôi bạn đã cảm nhận được hương thơm nghi ngút của bánh khiến chẳng thể cầm lòng và muốn thưởng thức ngay thôi.

Để làm nước chấm bánh ram ít thì cần lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy đều. Nước chấm cần làm sao cho thật vừa và có đủ vị chua cay mặn và hơi ngọt một chút. Thậm chí nếu muốn đậm đà hơn thì cho hẳn tôm khô đã băm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt đậm và thơm thoang thoảng.

Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít Huế chính là sự kết hợp giữa vị giòn tan, beo béo của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của đậu và nếp của bánh ít và vị ngọt thanh cay cay của nước mắm

Theo Eva