Địa điểm du lịch Hà Nội (Phần 1)

Với quá trình lịch sử phát triển lâu đời, Hà Nội sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú như hồ Đồng Quan, Tháp Rùa, tượng đài Thánh Gióng, ... Chính vì vậy Hà Nội vẫn luôn là điểm đến thu hút du khách quốc tế lớn nhất cả nước bởi vẻ đẹp trầm mặc, thanh lịch.

Tháp Rùa

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ xiêu tán cả. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim.

Tháp Rùa (Đinh Tiên Hoàng, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp nghiễm nhiên biến thành thắng tích Hà Nội.

Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc Âu châu với hàng cửa cuốn gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) (hay còn được gọi là tượng Đầm Xòe). Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ khi chính phủ Đế quốc Việt Nam của thủ tướng Trần Trọng Kim nắm chính quyền thay cho quân Pháp.

Chùa Non Nước

Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Ðại Việt Sử ký toàn thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa này tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Ðinh - Lê - Lý).

Chùa Non Nước (Khu di tích Đền Sóc, Xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Chùa Non Nước đang được xây dựng lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối nặng 30 tấn, cao 6,50 m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m được khởi công ngày 8-4 Tân Tỵ (2001) để đến 14-9 tới (tức mồng 8 tháng 8 năm Nhâm Ngọ) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non Nước.

Vườn đào Nhật Tân

Những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, vườn đào Nhật Tân rực lên trong cái nắng mùa đông và trong không khí nhộn nhịp của ngày giáp Tết.

Theo vòng xoáy của đô thị hóa, Nhật Tân giờ chỉ còn một diện tích không lớn lắm cho đào. Là một trong không nhiều vùng đất trồng hoa của Hà Nội còn lại, vẫn giữ được nét truyền thống của làng nghề, Nhật Tân làm say đắm bao tâm hồn yêu hoa, yêu Hà Nội.

Vườn đào Nhật Tân (An Dương Vương, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội)

Những người trồng đào ở Nhật Tân cho biết: Trong những ngày này, trời nắng ấm và hoa đào nở nhiều, tuy nhiên tiết trời vẫn khá lạnh nên đào vẫn sẽ rất đẹp trong dịp Tết.


Khu Di Tích Hoàng Thành Thăng Long


Nơi hội tụ dấu tích nghìn năm văn hiến

Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (
18, Hoàng Diệu, Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội)

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn 10 thế kỷ, kể từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội có diện tích 18.395 m2, bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (phường Điện Biên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình). Qui mô vùng bảo tồn của trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, là toàn bộ diện tích của khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu rộng hơn 18 ha, cùng với khu Thành cổ được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây là đường Hoàng Diệu. Hai khu này được kết nối với nhau. Cứ hình dung trục trung tâm bao gồm 4 mặt phố ở phía bên này như là bìa của cuốn sách nơi ta có thể cảm nhận khái quát nhất về trục trung tâm của cấm thành Hoàng thành Thăng Long, thì lật giở từng trang lịch sử của khảo cổ học từ thời Đại La, cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều có thể đọc được những dấu ấn của di tích, của kiến trúc, của hiện vật để minh chứng cho những điều mà chúng ta đã biết trong sử sách.Qua hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử đã khẳng định thêm và làm sâu sắc hơn các giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Nhiều kết quả nghiên cứu mới được công bố như: phát hiện kiến trúc Bát giác thời Lý được các chuyên gia Việt- Nhật phán đoàn là công trình kiến trúc kiểu điện Thiên Khánh (nơi vua nghe chính sự) ghi trong chính sử. Các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm nghiên cứu kinh thành cũng đã tìm ra được một loại thước được sử dụng thống nhất trong xây dựng Hoàng thành thời Lý, cho thấy mặt bằng kinh đô thời Lý có qui hoạch rất rõ ràng, qui củ trước khi tiến hành xây dựng... Tiến sĩ Bùi Minh Trí đã nhận ra được loại gốm cao cấp nhất trong thế kỷ XV của Việt Nam được sản xuất chính tại Thăng Long, với một kỹ thuật rất cao, mỹ thuật hoàn hảo. Đây cũng chính là gốm sứ cao cấp xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và một số nước khu vực châu Á. Những kết quả nghiên cứu này càng khẳng định qui mô và các giá trị nổi bật của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

1 nhận xét:

  1. Các bạn ở xa muốn đi du lịch Hà Nội với giá tiết kiệm thì tham khảo tại website http://www.canhchimviet.com.vn để có những vé bay giá rẻ đi Hà Nội nhé. Giá vé chỉ ngang bằng với việc các bạn di chuyển bằng xe khách!

    Trả lờiXóa