Những đặc sản không thể bỏ qua khi đi du lịch Quảng Nam

Cơm gà phố Hội

Đến Hội An, du khách đừng bỏ lỡ dịp thử qua món cơm gà. Mặc dù tên của món ăn này có thể không xa lạ gì đối với nhiều người, nhưng cơm gà Hội An có cách chế biến và hương vị độc đáo riêng.


Mang hồn quê của vùng đất anh hùng, cơm gà ở khắp các nẻo đường của phố Hội. Chỉ cần nhẹ bước vào một quán nhỏ bình dân gọi xuất cơm gà; trong vòng 10 phút là có ngay đĩa cơm gà thơm ngon để bạn thưởng thức. Chỉ đơn giản là cơm nấu với gà luộc, nhưng nét đặc sắc, tài hoa của các nghệ sĩ ẩm thực bình dân phố Hội thể hiện ở những hương vị của cơm, gà, nước chấm và cả đồ ăn chua đi kèm.

Bên cạnh các hàng quán vỉa hè, có những địa chỉ chuyên bán cơm gà đã được thực khách trong và ngoài nước biết đến từ lâu là cơm gà Bà Buội (22 Phan Chu Trinh), cơm gà Bà Hương (48 Lê Lợi)…; còn được du khách nước ngoài biết đến với món cơm gà là Nhà hàng Mermaid (2 Trần Phú), quán cô Ly (22 Nguyễn Huệ) hay Cánh Buồm Trắng (34 Trần Cao Vân)…

Mì quảng

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế…
Đến Quảng Nam, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)…

Du khách khó lòng từ chối với món ăn hấp dẫn này khi đến Quảng Nam

Cao lầu


Đặc sản cao lầu Hội An níu hồn lữ khách

Cao lầu – món ăn đặc sản của phố cổ hội an vừa được tổ chức kỷ lục châu á công nhận là một trong 10 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu á.

Cao lầu còn có tên là “mì gỗ”, sợi mì làm bằng gạo thơm ngâm nước tro, miếng cỡ vừa, hấp nhiều lần rồi phơi khô, khi dùng phải ăn kèm với thịt xíu và tép mỡ.

Cao lầu phố cổ nổi tiếng thơm ngon bởi sợ mì được ngâm từ nước tro lấy từ tro củi nấu ở tận Cù Lao Chàm. Nước xay gạo phải là nước giếng cổ Bá Lễ của cư dân Champa làm cách đây cả nghìn năm ngọt trong, không bị phèn và mát lạnh.Giá trụng và rau sống ăn kèm phải là của làng rau truyền thống Trà Quế trứ danh.

Cao lầu (một món ăn chỉ có ở Hội An): người duy nhất bán cao lầu ngon nổi tiếng có thâm niên ở Hội An là bà Bé, gánh của bà bên cạnh giếng nước ngay đầu chợ Hội An, nay bà đã già và hiện cháu của bà bán thay. Món này bây giờ ở Hội An có rất nhiều người bán, ăn ở đâu cũng tạm tạm thôi, không ngon nhưng rẻ. Ngoài ra bạn cũng có thể tới quán cao lầu bà Thanh tại đường Trần Cao Vân (ngã tư Công Chánh), bán từ sáng tới chiều.

Bánh đập


Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập ròn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An.

Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.
Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.

Bánh đập Bà Già, theo lời kể của người dân Cẩm Nam (Hội An), là quán bánh đập đầu tiên xuất hiện ở vùng này. Cách đây chừng 30-40 năm, bánh đập Bà Già ăn nên làm ra, kéo theo mấy chục quán khác mọc lên nối dài ven sông Hoài, đoạn ngang qua Cẩm Nam (Tp Hội An). Từ đó, Cẩm Nam nghiễm nhiên trở thành “Làng Bánh Đập” nổi tiếng ở miền trung.

Dù sau này khá nhiều quán mọc lên, nhưng những người thủy chung vẫn chọn quán Bà Già làm điểm dừng chân, dù quán có chút lụp xụp, và chủ quán đã mất từ nhiều năm trươc, rồi đến lượt con gái – con dâu trở thành bếp chính …

Địa chỉ: thôn 1, xã Cẩm Nam, thị xã Hội An, Quảng Nam (chỉ dẫn: qua cầu Cẩm Nam, đi thẳng qua khúc cua đầu tiên khoảng 200m sẽ gặp quán bên tay phải)
Đt: 0510.3864542

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét